Theo nhiều chuyên gia đầu ngành, nhìn chung, thị trường BĐS Việt Nam đã có dấu hiệu chậm lại so với năm 2015 tuy nhiên vẫn diễn ra dự khá sôi động với rất nhiều dự án tiềm năng. Do đó, nhiều khả năng năm 2017 và những năm tiếp theo, ngành công nghiệp địa ốc trong nước vẫn sẽ tăng trưởng ổn định.
Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết trong năm nay, BĐS đã vươn lên trở thành một trong những ngành công nghiệp năng động nhất trong nên kinh tế Việt Nam. Thị trường đang chứng kiến những thay đổi tích cực về chất lượng và sự đa dạng của các sản phẩm trong các phân khúc khác nhau.
Theo ước tính, đến thời điểm này, tổng dư nợ trong lĩnh vực BĐS Việt Nam là khoảng 420.000 tỷ đồng, tăng 100.000 tỷ đổng so với năm ngoái. Điều này cho thấy rằng, nguồn tiền đổ vào thị trường nhà đất đã tăng mạnh mẽ.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chi đưa ra dự báo rằng thị trường nhà đất những tháng cuối năm 2016 vẫn có bước tăng trưởng nhẹ so với quý III vừa qua. Do đó, khoảng thời gian từ nay đến Tết Đinh Dậu sẽ là giai đoạn đạt đỉnh của thị trường trong năm nay.
Cùng chung nhận định, ông Marc Townsend – Giám đốc điều hành của CBRE Việt Nam cho biết: “Tôi có thể khẳng định rằng trong 10 đến 15 năm nữa, thị trường BĐS Việt Nam sẽ vẫn phát triển với tốc độ như hiện nay hoặc cũng có thể hơn thế. Một nền dân số trẻ năng động, tầng lớp trung lưu phát triển, các dòng vốn nước ngoài đổ vào mạnh mẽ, việc đầu tư vào hiện đại hóa và phát triển cơ sở hạ tầng phát triển nhanh chóng, hội nhập kinh tế sâu rộng và một hệ thống chính trị ổn định là tất cả những gì, theo tôi thấy, đã khiến cho thị trường BĐS phát triển bền vững như vậy”.
Bong bóng BĐS chưa thể xuất hiện
Theo nhận định của các chuyên gia, dự báo trong năm 2017, thị trường BĐS Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhưng có xu hướng chững lại một chút. Tuy nhiên, trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là bong bóng nhà đất trong những tháng nước rút của năm 2016 và năm 2017 sẽ khó có thể xảy ra.
“Thị trường BĐS Việt Nam 9 tháng đầu năm 2016 vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng phục hồi kể từ sau năm 2013. Với những chính sách điều tiết thị trường hiệu quả, năm 2017, bong bóng nhà đất có thể vẫn chưa quay lại”, trích báo cáo của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA).
Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng bong bóng BĐS chỉ xảy ra khi nền kinh tế “nóng” lên. Tuy nhiên, trong năm 2016, nước ta khó lòng mà đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã đề ra. Do đó, có thể nói, nền kinh tế nước ta không phải là tăng trưởng nóng mà chỉ đang trong giai đoạn phục hồi.
“Một nền kinh tế trong giai đoạn tăng trưởng nóng sẽ là tiền đề phát sinh bong bóng BĐS do thu nhập của xã hội sẽ tăng lên nhanh chóng, tâm lý cảm thấy bản thân giàu hơn sẽ thôi thúc họ chi tiêu mạnh mẽ và BĐS cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, tình trạng này ở nước ta phải khẳng định là không có”, ông Phan Công Chánh, một chuyên gia kinh tế cho biết.
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội gần đây của TP.HCM, lãnh đạo thành phố cho biết những yếu tố gây ra bong bóng nhà đất đang được kiểm soát tốt, sẽ không có gì thay đổi lớn trên thị trường năm 2017.
Nguồn cung dồi dào, giá khó có thể tăng
Rất nhiều nhà đầu tư đều có cùng chung quan điểm rằng niềm tin vào sức mua của thị trường BĐS Việt Nam vẫn đang được duy trì, nhưng sức mua của thị trường sẽ chỉ tăng một cách từ từ chứ không ồ ạt. Cũng theo họ, năm 2016, giá cả các sản phẩm nhà đất tiếp tục ổn định nhưng không tăng hoặc không có biến động lớn bởi một nguyên nhân đó là nguồn cung dồi dào, từ đó tạo ta một thị trường cạnh tranh khốc liệt giúp kìm hãm tăng giá.
Bình luận về thị trường BĐS năm 2017, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Công ty Bất động sản Phát Đạt cho biết các cảnh báo về việc dư thừa nguồn cung mới đây đã được chứng minh. Tuy nhiên, đây không phải là điều quá lo ngại vì các nhà đầu tư sẽ có chiến lược để thu hút khách hàng trong tình hình mới.
Thị trường sẽ vẫn tăng trưởng trong năm 2017, lượng vốn từ nước ngoài vào thị trường nhà đất Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục tăng, điều này sẽ tạo ra nguồn cung đa dạng hơn và mạnh mẽ hơn cho thị trường. Người được hưởng lợi lúc đó, tất nhiên, sẽ là khách hàng vì chất lượng sản phẩm sẽ được nâng lên, giá cả tiếp tục chuỗi ổn định và duy trì ở mức độ hợp lý.
Phân khúc cao cấp và nhà ở giá rẻ “lên ngôi”
Khi được hỏi phân khúc nào sẽ dẫn dắt thị trường BĐS Việt Nam trong năm tới, hầu hết các nhà đầu tư đều cho rằng phân khúc nhà ở giá rẻ và phân khúc cao cấp sẽ là những khu vực tăng trưởng mạnh trong năm tới.
Ở khu vực thị trường cao cấp, ông Nguyễn Trần Nam, chủ tịch VNREA cho rằng: “Cấu trúc của thị trường BĐS có xu hướng dịch chuyển qua từng giai đoạn. Rất nhiều nhà đầu tư đang theo đuổi phân khúc cao cấp”. Khu vực sản phẩm này cũng có nền tảng khách hàng khá vững chắc. Các nhà đầu tư không đổ tiền một cách ồ ạt mà sẽ thăm dò khách hàng để ứng biến đưa ra thị trường số lượng sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu.
Ông Nguyễn Dư Lực, Giám đốc Công ty BĐS Lộc Phát Hưng cho biết sức mua của thị trường năm 2017 sẽ vẫn tiếp tục như thời gian vừa qua, đặc biệt các phân khúc như biệt thự hay nhà ở cao cấp sẽ được các nhà đầu tư và khách hàng quan tâm nhiều hơn. Điều này cho thấy dòng vốn đang dịch chuyển sang thị trường này rất mạnh mẽ.
Chia sẻ ý kiến trên, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc nghiên cứu tại Tập đoàn Dragon Capital, nhấn mạnh hơn nữa rằng trong những năm tới, phân khúc nhà ở cao cấp sẽ còn phát triển phong phú hơn nữa. Minh chứng là một nghiên cứu mới đây cho thấy từ đầu năm 2016 đến nay, giá bán các sản phẩm trong phân khúc này có xu hướng giảm nhẹ, trong khi đó giá các sản phẩm tầm trung lại ở mức cao hơn một chút, thậm chí tại một số khu vực đã có tình trạng tăng đột biến.
“Nếu tính đến hết quý 3 năm 2016, phân khúc đất đai và biệt thự có xu hướng bùng nổ về nhu cầu mua. Dự báo trong năm 2017, giá các sản phẩm cao cấp sẽ tiếp tục đi ngang và nguồn cung sẽ tiếp tục tăng”, ông Tuấn nói.
Về thị trường nhà ở giá rẻ, nhiều chuyên gia cho rằng xét về khía cạnh nguồn cung, các sản phẩm có giá cả phải chăng, dao động từ 1 tỷ đến 1,3 tỷ đồng vừa có nguồn cung hạn chế lại vừa có mức nhu cầu tăng nhanh nên khả năng sẽ “lên ngôi” ở năm tới là có thể nhìn thấy.
Theo ông Ngô Quang Phúc, Phó Giám đốc điều hành của Him Lam Land nhận định, năm 2017 khu vực này sẽ tiếp tục đà phát triển. Nguồn cung nhà ở giá rẻ và nhà ở dành cho những người trẻ tuổi sẽ tiếp tục tăng vì số lượng hiện nay trên thị trường của những sản phẩm này vẫn còn hạn chế.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều chung nhận định rằng phân khúc này sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức không thể giải quyết một sớm một chiều trong thời gian tới nếu cứ để thị trường theo guồng quay của nó mà không có sự tham gia của chính phủ. Bởi trong tương lai, việc khai thác đất cho đầu tư và phát triển BĐS sẽ vô cùng khó khắn và đụng phải những cạnh tranh vô cùng khốc liệt, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM.
Trong khi nhu cầu về nhà ở giá rẻ tại các thành phố này luôn ở mức cao nhưng ngặt một nỗi, giá đất ở các thị trường này cứ thế tăng lên như diều gặp gió. Điều này đã, đang và sẽ khiến cho nguồn cung nhà ở cao cấp trở nên khan hiếm và đặt trong tình trạng báo động. Theo nhiều ý kiến, tình trạng này tất yếu sẽ tạo ra một xu hướng mới tại Việt Nam đó là M&A (Mua bán và sáp nhập) để hình thành nên dòng vốn có đủ lực để chống đỡ với những thách thức của thị trường.